Đi khám, bà Thanh (50 tuổi, Hà Nội) rất bất ngờ khi bác sĩ thông báo mình bị tăng mỡ trong máu. Lý do vì gần 10 năm nay bà đã chuyển hẳn sang ăn chay.


Bà thậm chí còn đến một bệnh viện lớn khác để kiểm tra, kết quả vẫn không khác. “Vì muốn giữ gìn sức khoẻ, tránh các bệnh người lớn tuổi hay mắc như mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường..., tôi mới chuyển sang ăn chay. Vấn đề là tôi không ăn mỡ thì làm sao lại thừa mỡ trong máu được”, bà Thanh nói.

Theo các bác sĩ, những trường hợp như bà Thanh không phải là hiếm gặp. Không chỉ những người ăn bình thường, ăn thịt cá, mỡ mới bị mỡ máu cao mà cả những người ăn chay trường vẫn mắc.

Bình thường trong máu có một tỷ lệ mỡ nhất định, được đánh giá bằng chỉ số xét nghiệm cholesterol máu nhiễm mỡ, triglycerid... Nếu các chỉ số này cao hơn mức cho phép thì gọi là mỡ máu cao hay rối loạn lipid máu, máu nhiễm mỡ.


Người dân cần có thói quen khám sức khoẻ định kỳ, trong đó làm xét nghiệm xác định các
thành phần cơ bản của lipid máu để phát hiện sớm bệnh. Ảnh minh họa: P.N.


Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Đức Chung, Chủ nhiệm khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354 (Hà Nội), mỡ máu cao không phải chỉ do ăn mỡ mà là do ăn các thực phẩm thừa năng lượng. Khi dùng thức ăn béo, hầu hết mỡ hình thành dưới dạng chất béo trung tính gọi là triglycerid hoặc khi tiêu thụ quá nhiều kcalo, kcalo cũng được chuyển đổi thành triglycerid và lưu trữ bên trong các tế bào mỡ. Điều này lý giải vì sao nhiều người ăn chay cũng không thoát khỏi bệnh.

Các thực phẩm ăn chay cũng có nhiều chất dinh dưỡng. Chẳng hạn trong các loại đậu, đặc biệt là đậu tương chất đường chiếm đến 15-25%, chất béo là 15-20%, chất đạm là 35-45%... Bên cạnh đó, các món chay hiện nay dùng nhiều dầu chiên và dầu được chiên đi chiên lại làm biến đổi chất lượng dầu, tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt, bác sĩ Chung cho biết.

Bên cạnh đó, cholesterol có nguồn gốc từ thức ăn hằng ngày trong thịt, mỡ, trứng… và do gan tạo ra. Gan có khả năng tổng hợp cholesterol từ những chất khác như đường, đạm. Vì thế, người ăn chay bị rối loạn mỡ máu cũng có thể do rối loạn việc tạo cholesterol ở gan.

Theo bác sĩ Ngô Chí Hiếu, Trưởng khoa Hồi sức, Bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh mỡ máu cao nguy hiểm ở chỗ nếu không điều trị về lâu dài sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: xơ, dày thành mạch máu, làm tăng huyết áp, tắc mạch máu đặc biệt mạch máu ở não và mạch vành, gây tai biến, suy tim về sau.

Trong khi đó, biểu hiện bệnh ở người trẻ hầu như không có triệu chứng. Nhiều người chỉ vô tình phát hiện bệnh khi khám sức khỏe định kỳ hoặc thấy huyết áp cao, đau đầu, đi làm thêm xét nghiệm máu thì đã thấy bị mỡ máu cao. Ở người già biểu hiện rõ ràng hơn, có đến 90% có kèm theo tăng huyết áp, đái tháo đường.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu phát hiện sớm, có người chỉ cần chỉnh chế độ ăn, là tỷ lệ mỡ trong máu gần như trở lại bình thường. Trường hợp không đáp ứng được thì dùng thuốc điều chỉnh. Đây là cả một quá trình lâu dài, vì còn tùy thuộc vào độ nhạy của thuốc, kiêng khem của từng người và không có một liều nhất định, bác sĩ Hiếu cho biết.

Người ăn chay cần tính toán để có một chế độ ăn hợp lý, cân bằng giữa các thành phần: tinh bột, đạm, đuờng, béo…, cái gì quá cũng là không tốt. Như trái cây rất tốt nhưng ăn quá nhiều cũng không tốt, vì như thế một lượng đường fructose đáng kể trong trái cây biến thành mỡ.

Để phòng và điều trị bệnh, phải tùy theo công việc mà ăn lượng kcalo phù hợp, tuyệt đối không được thừa năng lượng gây thừa mỡ. Cần ăn nhiều rau xanh, chất xơ. Nên chăm tập luyện và làm các việc năng động để tiêu bớt lượng mỡ dư thừa, tránh việc tạo thành những cholesterol có hại. Tất cả những người trên 20 tuổi nên được xét nghiệm 5 năm một lần các thành phần cơ bản của lipid máu gồm: cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, HDL cholesterol và tryglycerid. Các xét nghiệm nên được làm khi đói (cách bữa ăn trước ít nhất 12 giờ, bao gồm cả đồ uống có năng lượng).

Phương Trang

Chủ Đề Tương Tự:

Chủ Đề Cùng Chuyên Mục: